UY TÍN KHẲNG ĐỊNH VẠN NIỀM TIN

Tin tức

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là gì? Điều kiện và thủ tục thế nào?

24

Nền kinh tế thị trường sôi động mở ra cơ hội cho sự ra đời của nhiều doanh nghiệp mới. Song song với đó, các phương thức góp vốn cũng ngày càng đa dạng, trong đó góp vốn bằng quyền sử dụng đất nổi lên như một kênh đầu tư tiềm năng. Tuy nhiên, do đặc thù đất đai thuộc sở hữu toàn dân, việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất đòi hỏi những điều kiện và thủ tục đặc biệt. Vậy, góp vốn quyền sử dụng đất là gì? Điều kiện và thủ tục thực hiện như thế nào? Hãy cùng Ngô Gia Group tìm hiểu chi tiết trong bài viết này!

góp vốn quyền sử dụng đất là gì? Điều kiện và thủ tục thực hiện như thế nào?
Góp vốn quyền sử dụng đất là gì? Điều kiện và thủ tục thực hiện như thế nào?

Góp vốn quyền sử dụng đất là gì?

Theo quy định tại Điều 3, Khoản 10 của Luật Đất đai 2013, chuyển quyền sử dụng đất là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ một bên sang một bên khác thông qua các hình thức như chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. 

Như vậy, góp vốn bằng quyền sử dụng đất là một trong những hình thức của chuyển quyền sử dụng đất.

Điều kiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Điều kiện để góp vốn bằng quyền sử dụng đất, theo quy định tại Điều 188 của Luật Đất đai 2013, được xác định như sau:

1) Người sử dụng đất có thể thực hiện các quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; và góp vốn bằng quyền sử dụng đất nếu đáp ứng các điều kiện sau:

2) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trừ một số trường hợp như:

  • Khi tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam, người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có thể được chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.
  • Trong trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất, người sử dụng đất có thể thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

3) Đất không có tranh chấp;

4) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

5) Trong thời hạn sử dụng đất.

Việc thực hiện các hoạt động như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

Điều kiện nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Điều kiện nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Điều 193 Luật Đất đai 2013 là:

  • Có sự chấp thuận bằng văn bản từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, hoặc thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án.
  • Mục đích sử dụng đất nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, hoặc thuê quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  • Đối với đất chuyên trồng lúa nước, phải tuân thủ quy định tại khoản 3 của Điều 134 Luật Đất đai 2013. Điều này đòi hỏi người được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải thanh toán một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ.
Trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất như thế nào?

Hồ sơ và thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất 

Hồ sơ đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Hồ sơ đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Thông tư 24/2014/TT-BTNMT (đã được sửa đổi tại Thông tư 09/2021/TT-BTNMT) gồm các thành phần sau:

  • Đơn xin đăng ký biến động đất đai và tài sản gắn liền với đất (Theo mẫu 09/ĐK);
  • Bản chính và bản photo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
  • Hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất (đã được công chứng – chứng thực);
  • Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp; 
  • Công văn chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc công ty, doanh nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
  • Văn bản về việc người sử dụng đất chấp thuận cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất (trong trường hợp cá nhân hoặc tổ chức muốn góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng thời là người sử dụng đất);
  • Giấy tờ pháp lý cá nhân của thành viên/cổ đông góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, được điều chỉnh bởi khoản 50 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, diễn ra theo các bước sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ góp vốn tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc bộ phận một cửa (nếu có) của địa phương.

Trong trường hợp góp vốn với một phần thửa đất, người sử dụng đất yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc, tách thửa đối với phần diện tích này trước khi nộp hồ sơ.

Bước 2: Cơ quan thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký góp vốn.

Bước 3: Kiểm tra và giải quyết yêu cầu góp vốn. Nếu hồ sơ đủ điều kiện, cơ quan thẩm quyền gửi cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính. Sau đó, Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận đăng ký biến động góp vốn trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được đăng ký biến động.

Thời gian thực hiện thủ tục là không quá 10 ngày kể từ khi cơ quan thẩm quyền nhận được hồ sơ hợp lệ. Đối với các khu vực đặc biệt như miền núi, hải đảo, vùng sâu, xa, hoặc có điều kiện kinh tế khó khăn, thời gian này có thể lên đến 20 ngày.

Các trường hợp chấm dứt góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Theo khoản 3 của Điều 80 trong Nghị định 43/2014/NĐ-CP, việc chấm dứt góp vốn bằng quyền sử dụng đất xảy ra trong các trường hợp sau:

  • Khi hết thời hạn góp vốn mà các bên đã thỏa thuận trước đó.
  • Đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật.
  • Một bên hoặc tất cả các bên đề nghị chấm dứt theo quy định trong hợp đồng góp vốn.
  • Bên góp vốn hoặc doanh nghiệp liên doanh bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật.
  • Bên góp vốn là cá nhân đã qua đời hoặc bị tuyên bố đã qua đời, bị cấm hoạt động trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh mà hợp đồng yêu cầu người đó thực hiện, hoặc bị mất/hạn chế năng lực hành vi dân sự.
  • Bên góp vốn là một tổ chức pháp nhận bị chấm dứt hoạt động mà hợp đồng góp vốn yêu cầu tổ chức đó thực hiện.
Xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất
Khi muốn xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì thực hiện như thế nào?

Hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất

Hồ sơ thực hiện việc hủy đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, bao gồm:

  • Tài liệu liên quan đến việc thanh lý hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất, đã có xác nhận về việc thanh lý.
  • Bản sao chính của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho người góp vốn.

Quy trình xoá đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Điều 80 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, đã được sửa đổi và bổ sung bởi khoản 51 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP như sau:

  • Bước 1: Hồ sơ được nộp tại Văn phòng đăng ký đất đai hoặc bộ phận một cửa (nếu có) của địa phương.
  • Bước 2: Cơ quan thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ xóa đăng ký góp vốn.
  • Bước 3: Kiểm tra và giải quyết yêu cầu xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Nếu đủ điều kiện, cơ quan sẽ xác nhận xóa đăng ký góp vốn trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, thông tin về việc xóa đăng ký góp vốn cũng được cập nhật vào hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai.
  • Bước 4: Kết quả của quá trình sẽ được cung cấp dưới dạng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã xoá đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Góp vốn bằng quyền sử dụng đất là kênh đầu tư hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin, lựa chọn dự án uy tín và thực hiện đúng các thủ tục pháp lý.

Hy vọng bài viết Ngô Gia Gia Group chia sẻ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về góp vốn quyền sử dụng đất cũng như điều kiện và thủ tục hiện hành như thế nào? Thường xuyên truy cập website hoặc fanpage Ngô Gia Group để cập nhật những thông tin thị trường, kiến thức bất động sản nhanh và chính xác nhé!

admin

CÔNG TY CỔ PHẦN BẤT ĐỘNG SẢN NGÔ GIA GROUP
Trụ sở chính: Số 28, đường 35, ấp Tân Bắc, xã Bình Minh, Huyện Trảng Bom, Tỉnh Đồng Nai
Chi nhánh 2: 178, đường 111, khu dân cư Khang Điền, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP. HCM
Chi nhánh 3: 457 đường Man Thiện, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức, TP. HCM

Website: https://ngogiagroup.com.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/tapdoanngogiagroup
Hotline: 19003482

Tin Liên Quan